Chiến tranh thế giới lần thứ hai Josip Broz Tito

Chiến tranh Nam Tư

Ngày 6 tháng 4 1941, quân Đức Quốc xã, Phát xít ÝHungary mở cuộc tấn công vào Nam Tư. Vua Nam Tư bỏ trốn ngày 17 tháng 4 và chính quyền Nam Tư đầu hàng sau đó. Quân xâm lăng tiến vào và nhanh chóng chia rẽ xứ Nam Tư. Quân Đức chiếm vùng miền bắc Slovenia và điều khiển quân sự tại Serbia đồng thời lập chính phủ bù nhìn tại Croatia.[10] Quân của Mussolini giành phần còn lại của Slovenia, Kosovo và vùng ven biển Dalmatia và các đảo trong biển Adriatic. Ý cũng lập chính phủ bù nhìn tại Montenegro. Quân Hungary chiếm Vojvodina, sát nhập vào Baranja, Bačka, MeđimurjePrekmurje.[11] Còn quân Bulgaria chiếm gần hết lãnh thổ Macedonia.

Trong những ngày đầu của cuộc xâm lăng, ngày 10 tháng 4 1941 Tito thành lập Ủy ban Quân sự trong Đảng Cộng sản Nam Tư và ngày 1 tháng 5 bắt đầu phát truyền đơn kêu gọi dân Nam Tư đoàn kết chống ngoại xâm.[12] Ngày 4 tháng 7 nghe tin Đức tấn công Liên Xô, Tito mở cuộc họp thành lập quân đội kháng chiến vũ trang và ông được chọn làm thủ lĩnh. Trong khu rừng vùng Brezovica gần Sisak Croatia, đội quân kháng chiến vũ trang chống phát xít đầu tiên tại châu Âu được thành lập, phần lớn là người Croatia ở các vùng lân cận.

Ngoài quân xâm lăng, Tito và quân kháng chiến còn phải đương đầu với lực lượng "kháng chiến" khác do Draža Mihailović chỉ huy. Lực lượng này mang tên Chetnik, lúc đầu phối hợp với Tito nhưng không bao lâu sau dần dần ngả theo phe phát xít, nhận viện trợ của Ý tấn công quân của Tito.[13][14] Quân Tito mở cuộc chiến tranh du kích giành được nhiều thắng lợi, giải phóng nhiều vùng bị quân phát xít xâm chiếm. Quân Đức phản công bằng các cuộc thanh trừng giết hại thường dân: cứ mỗi lính Đức chết thì 100 dân Nam Tư phải đền mạng, và 50 cho mỗi lính Đức bị thương. Dẫu thế dân Nam Tư vẫn kiên trì chống trả và bảo vệ những vùng giải phóng, nổi tiếng nhất là vùng đất mang tên Cộng hòa Užice. Trong những khu giải phóng, quân kháng chiến tổ chức những chính phủ nhân dân. Tito mở hai cuộc họp của tổ chức gọi là Hội đồng giải phóng Quốc gia Nam Tư chống Phát xít tại Bihać ngày 26 tháng 11 1942 và tại Jajce ngày 29 tháng 11 1943, tổ chức này được coi như là đại diện của quân dân kháng chiến Nam Tư, và Tito là lãnh tụ. Trong hai cuộc họp này các thành viên đặt nền móng cho quốc gia Nam Tư sau cuộc chiến và riêng tại Jajce nhận Tito làm chủ tịch Hội đồng.[15] Ngày 4 tháng 12 1943, trong khi cuộc chiến còn đang tiếp diễn, Tito tuyên bố thành lập chính phủ dân chủ Nam Tư.

Nguyên soái J. B. Tito và Thủ tướng Anh Winston Churchill, năm 1944

Quân phát xít lúc này đang lo ngại quân Đồng Minh đổ bộ vào bán đảo Balkan, bèn mở cuộc hành quân ra sức tiêu diệt kháng chiến Nam Tư. Quân Đức đặc biệt kéo 200.000 quân tấn công vào các cứ điểm của quân kháng chiến, như Neretva (trong trận đánh này quân Chetniks theo phe quân Đức tấn công quân Nam Tư) và tại Sutjeska. Trong trận Sutjeska quân kháng chiến bị bao vây và gần bị tiêu diệt nhưng nhờ khả năng hành quân linh động có khả năng vừa đánh vừa rút thoát khỏi vòng vây, Tito trúng đạn bị thương trong trận này. Quân Đức suýt bắt và giết được Tito ba lần; tại Neretva, tại Sutjeska và tại Drvar. Trong trận Drvar (thuộc Bosnia) Otto Skorzeny cầm đầu toán lính dù Đức tấn công phòng chỉ huy của Tito, nhưng ông may mắn trốn thoát.

Quân Đồng Minh lâu nay vẫn ủng hộ quân Chetniks, nhưng khi thấy quân này lộ mặt thân phát xít và khi nhận tin về sức kháng cự của kháng chiến quân Tito, quyết định ủng hộ lực lượng Tito. Tại Hội nghị Tehran, Vua Peter II của Nam Tư, tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, thủ tướng Anh Winston Churchill và chủ tịch Liên Xô Joseph Stalin tuyên bố chính thức công nhận Tito và quân kháng chiến do ông chỉ huy, và cho lính dù Đồng Minh nhảy vào hỗ trợ quân kháng chiến Nam Tư. Ngày 17 tháng 6 năm 1944 hiệp ước Vis được ký kết với mục đích kết hợp lực lượng Tito và chính phủ lưu vong hoàng gia Nam Tư. Quân kháng chiến Nam Tư sau đó được lực lượng của Đồng Minh hỗ trợ trực tiếp, gồm không quân và lục quân.

Ngày 28 tháng 9 năm 1944 báo Cơ quan Điện thư Liên Xô (TASS) báo tin Tito cho ký giấy cho quân Liên Xô hành quân vùng đông-bắc Nam Tư.[16] Quân kháng chiến Nam Tư dựa vào lực lượng hỗ trợ mở cuộc tổng tấn công quân phát xít tại nhiều nơi và nhanh chóng giải phóng Nam Tư. Khi quân Đức rút ra khỏi lãnh thổ, Tito cũng lập tức yêu cầu tất cả các lực lượng Đồng Minh kéo ra ngoài Nam Tư.

Thời hậu chiến

Nguyên soái J. B. Tito và các tướng lĩnh Quân giải phóng nhân dân Nam Tư sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, ngày 14 tháng 5 năm 1945

Ngày 7 tháng 3 1946 chính phủ lâm thời Liên hiệp Dân chủ Nam Tư (Demokratska Federativna Jugoslavija, DFY) ra đời tại Beograd, chưa quyết định thể chế cộng hòa hay vương quốc. Chính phủ này do Tito lãnh đạo trong chức thủ tướng, cùng thành viên của chính phủ lưu vong hoàng gia khi trước và nhiều người khác, trong đó có Ivan Šubašić. Trong cuộc bầu cử thành lập chính phủ chính thống vào tháng 11 năm 1945, Tito và nhóm cộng hòa do Đảng Cộng sản Nam Tư ủng hộ thắng lớn. Đây là thời điểm Tito được quần chúng yêu chuộng với hình ảnh ông là người giải phóng đất nước.

Chính phủ Nam Tư cố gắng hàn gắn những sứt mẻ trong thời gian bị chiếm; nhất là vấn đề chia rẽ giữa các nước nhỏ thuộc liên hiệp Nam Tư. Ngoài ra họ còn phải gây dựng lại xứ sở bị chiến tranh tàn phá, luôn đưa hình ảnh đoàn kết xây dựng như mục đích chung của cả nước. Nam Tư được cho danh xưng chính thức là Cộng hòa Liên hiệp Nhân dân Nam Tư, sau đổi thành Cộng hòa Liên hiệp Nam Tư. Ngày 29 tháng 11 năm 1945, vua Peter II của Nam Tư chính thức bị quốc hội truất phế. Hiến pháp cộng hòa sau đó được soạn thảo và công bố.

Quân đội Nam Tư, Quân đội Nhân dân Nam Tư (Jugoslavenska narodna armija, hay JNA), được thành lập trên căn bản của quân kháng chiến ngày trước, từng được xếp hạng 4 hùng hậu nhất châu Âu. Cảnh sát an ninh Nam Tư (Uprava državne bezbednosti/sigurnosti/varnosti, UDBA) và Cơ quan Mật vụ (Organ Zaštite Naroda (Armije), OZNA) được thiết lập truy nã, bắt giữ và đem ra tòa xử các tội phạm chiến tranh và nhóm người theo phát xít ngày trước. Trong đám tội phạm này có nhiều linh mục Công giáo của giáo xứ Croatia thuộc chính quyền Ustaša. Draža Mihailović từng chỉ huy quân Chetniks bị xét xử và xử bắn vào tháng 7 năm 1946.

Josip Broz Tito gặp Aloysius Stepinac, chủ tịch Hiệp hội Giám mục Nam Tư ngày 4 tháng 6 năm 1945 để thương lượng về chính sách tôn giáo nhưng không đạt thành quả. Stepinac và các Giám mục chỉ trích Tito trong vụ thanh trừng tôn giáo vào tháng 9 năm 1945. Năm sau Stepinac bị bắt và kết án 16 năm tù giam với tội cấu kết nhóm khủng bố Ustaše và xúi giục dân chúng theo đạo Công giáo. Tháng 10 năm 1946, Vatican trong phiên họp bất thường lần đầu tiên trong 75 năm, ly khai chính phủ Tito về vụ bắt Stepenac,[17] nhờ đó Stepenac được ân xá[18] và bản án rút xuống thành quản thúc tại gia với phép cho xuất cảnh. Nam Tư sau đó được xem là có tự do tôn giáo hơn các nước Đông Âu láng giềng thuộc khối Xô viết.

Trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Tito được xem là nhà lãnh tụ cộng sản chân chính, chỉ đứng sau Stalin. Phòng không Nam Tư từng bắn rơi máy bay Hoa Kỳ bay vào không phận Nam Tư và đưa liên hệ với Tây Âu vào chỗ khó khăn. Stalin thì lại không mấy ưa Tito, cho ông là quá độc lập.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Josip Broz Tito http://www.britannica.com/EBchecked/topic/597295/J... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/597295/J... http://www.britannica.com/eb/topic-1413183/Indepen... http://www.javno.com/hr/zagreb/clanak.php?id=21437... http://www.newstatesman.com/ http://www.newstatesman.com/Books/200609110049 http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8...